Các Loại Vũ Khí Việt Nam Tự Sản Xuất

Các Loại Vũ Khí Việt Nam Tự Sản Xuất

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nói nước này đã chủ động tự sản xuất vũ khí để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, bao gồm cả “vũ khí chiến lược mang thương hiệu quốc gia”. Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc xung đột trên thế giới dường như đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp vũ khí cho đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào Nga.

Tập trung nghiên cứu, sản xuất thành công các chủng loại vũ khí, thiết bị kỹ thuật, khí tài hiện đại, chiến lược

Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy nêu rõ: Chúng ta chủ trương xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại.

Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi Công nghiệp quốc phòng phải đi trước một bước, phải có đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất được vũ khí, thiết bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội.

Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy cho biết: Bộ Quốc phòng đã chủ trì soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự luật này sẽ được Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV xem xét thông qua.

Đây là hành lang pháp lý mở lối cho ngành Công nghiệp quốc phòng phát triển; là cơ sở để công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất quốc phòng có bước phát triển mới vững chắc, tiến tới làm chủ nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến; chế tạo các sản phẩm vũ khí, thiết bị kỹ thuật mới, công nghệ cao, tính năng hiện đại, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại.

Theo Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy: Thực hiện nội dung này, trước mắt, tập trung hoàn thành các chương trình, dự án khoa học, công nghệ trọng điểm được Bộ Quốc phòng giao.

Phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, rà soát nhu cầu sử dụng, cải tiến, sửa chữa vũ khí, thiết bị kỹ thuật của các đơn vị trong toàn quân, đề xuất mở mới các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp.

Làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm Công nghiệp quốc phòng; phát triển những lĩnh vực mũi nhọn (cơ khí chế tạo, luyện kim đặc biệt, vật liệu mới, điện tử viễn thông...).

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, chiến lược nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bám sát định hướng của cấp trên, gắn với chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy tối đa năng lực, thế mạnh của từng đơn vị.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ nghiên cứu để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

Mở rộng hợp tác khoa học công nghệ với các tổ chức trong nước và quốc tế, nhất là trên các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao; ưu tiên hợp tác với các đối tác chiến lược.

Gắn hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ với các chương trình, dự án phục vụ phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh; thúc đẩy chuyển giao công nghệ mới, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quốc phòng...

Làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp vũ khí thiết bị kỹ thuật công nghệ cao

Hiện nay, công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa được nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại với hàm lượng khoa học, công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang.

Nhiều loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại trước đây phải mua của nước ngoài thì nay đã tự nghiên cứu, phát triển trong nước.

Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chi sẻ điều này trong bài viết: "Nghiên cứu, sản xuất vũ khí gắn với nghiên cứu khoa học - công nghệ" đăng trên báo QĐND.

Theo bài viết, những năm qua, nhờ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nên nhiều sản phẩm được triển khai sản xuất loạt, đưa vào trang bị trong Quân đội.

Thông qua triển khai các chương trình, đề án khoa học công nghệ lớn hướng đến các sản phẩm mục tiêu đồng bộ, quy mô lớn, phức tạp đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ trên một số lĩnh vực đặc thù; làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp vũ khí thiết bị kỹ thuật công nghệ cao.

Trình độ nghiên cứu cơ bản, công nghệ nền, công nghệ phụ trợ có bước phát triển mới.

Theo Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy: Ngành công nghiệp quốc phòng hiện nay cơ bản có đủ năng lực tự chủ, từ nghiên cứu đến sản xuất hầu hết các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại cho lục quân, thông tin liên lạc.

Trong đó, đã chế tạo một số hệ thống tích hợp, các cụm khối cơ khí, điện tử, vật tư, linh kiện... phục vụ chế tạo các loại vũ khí, khí tài mới; bảo đảm kỹ thuật các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại trong biên chế của các quân chủng, binh chủng, ngành.

Tiến tới làm chủ nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới cho lục quân, hải quân, không quân

Thành tựu mà ngành Công nghiệp quốc phòng Việt Nam đạt được có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các cơ sở Công nghiệp quốc phòng (phần lớn cơ sở nòng cốt do Tổng cục Công nghiệp quốc phòng quản lý).

Với đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ và năng lực dây chuyền công nghệ hiện có, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng có nhiều thuận lợi trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ từ khâu tổ chức nghiên cứu, chế thử đến triển khai sản xuất loạt sản phẩm.

Hơn nữa, sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ với sản xuất quốc phòng là nét đặc trưng riêng có của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng so với các đơn vị khác trong toàn quân.

Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy cho biết: Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật cho sư đoàn bộ binh; đáp ứng một phần vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Binh chủng Pháo binh, Binh chủng Tăng thiết giáp.

Bước đầu nghiên cứu, sản xuất được một số vũ khí, trang bị kỹ thuật cho Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân và đang xây dựng tiềm lực kỹ thuật, công nghệ tiến tới làm chủ nghiên cứu, sản xuất các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới cho lục quân, hải quân, không quân.

10 năm qua, tỷ lệ sản phẩm của các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn đạt khoảng 85%.

Trong đó, chưa đến 20% sản phẩm nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa về công nghệ của hầu hết sản phẩm đều đạt trên 80%, nhiều sản phẩm đạt trên 90%.

Theo Đại tá, TS. Nguyễn Quang Huy: Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và sản xuất quốc phòng, như: Số lượng sản phẩm của đề tài đã nghiên cứu, chế thử thành công được đưa vào sản xuất loạt “0” chưa nhiều, nhất là các loại vật tư kỹ thuật cho các quân chủng, binh chủng.

Một số dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, năng suất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất các sản phẩm quốc phòng đòi hỏi độ chính xác, hàm lượng khoa học cao; sự gắn kết giữa viện nghiên cứu với đơn vị sản xuất trong nghiên cứu, chế thử sản phẩm chưa chặt chẽ.

Nguồn lực tài chính cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ còn hạn chế; chưa có nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ về nghiên cứu cơ bản, chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng; cơ chế quản lý và triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ còn bất cập...